Gibberish

Posts tagged ‘linh tinh’

Làm người tốt và làm người xấu

Có lẽ khi còn nhỏ đọc sách và đọc báo kết hợp với xem phim ảnh, đa số ai cũng muốn làm người tốt khi lớn lên. Nếu theo như trong phim, người tốt là những người đi tiêu diệt cái ác, thiêu cháy phù thủy, bắn vỡ đầu zombie hay đập chít con rồng; hay lớn lên một chút thì là chữa bệnh cho người khác, giúp đỡ người ta trong lúc hoạn nạn khó khăn v.v… Sau nếu thấy những việc đó vẫn khó quá thì chỉ cần biết xin lỗi, cảm ơn đúng lúc và mượn tiền nhớ trả lại cho người khác (dù có hơi bị trễ) hay không mạt sát người khác (nhắn tin hay nói trực tiếp cũng như nhau) cũng đã là người tốt lắm rồi.

Không có kẻ ác thì làm gì có cơ hội trở thành anh hùng!

Tự dưng nghĩ ra câu đó nói chơi vậy thôi chứ logic trong đó chẳng có bao nhiêu. Cơ mà cũng phải phục những kẻ ác trong phim ảnh tạo nên, nói chung là phải có khả năng và sự kiên định cũng như biết vượt qua những số phận bất hạnh của bản thân thì mới có thể làm được như thế. Người dơi tiêu diệt Joker bởi vì anh ta giàu, giọng anh ta trầm hơn và anh ta tập gym nên xác suất thắng khi đấu tay đôi với Joker tăng lên, nhưng anh ta thua Joker ở sự liều, độ quái chiêu (liên quan trực tiếp đến trí thông minh) và một số cái khác nữa. Những cái Người dơi và Joker có không phải người bình thường nào cũng có. Và cũng đừng nghĩ là đùng một cái Joker muốn là biến thành kẻ ác, hắn cũng phải tập luyện, cũng phải chịu thất bại, cũng phải kiếm nhiều tiền trước khi đi làm những chuyện rùm beng thiên hạ. Hắn cũng có người yêu xinh xẻo chứ phải không, cái cô Harley Quinn chỉ bị mỗi tội điên điên khùng khùng thôi. Có ai dám vỗ ngực tự nhận mình không khùng ở trong cái thế giới đảo điên này? Ồ có mày hả, thôi nhé chẳng sao bởi vì tao cũng không quan tâm.

Cơ mà muốn làm thể loại người nào, tốt hay xấu, cũng phải đầu tư thời gian tiền bạc và có một số hành động đưa đến một số sự kiện cụ thể dù cố ý hay vô ý. Người ta phải thấy việc mình làm và nghe việc mình nói thì mới đánh giá (chả biết đánh giá đúng hay sai) thì mới quyết định được chúng ta là người tốt hay người xấu. Và vì cái đó nó rất là tương đối nên thôi các bạn cứ cố gắng làm tốt nhất có thể rồi chịu chấp nhận là thể nào cũng tòi ra một hai thành phần không ưa những gì các bạn làm. Không sao, hãy yên tâm vì 100 năm nữa chẳng ai nhớ những xích mích ấy đâu. Hồi xưa có một cái quote hay hay của Shinoda nhóm Linkin Park là “Work hard and don’t be an asshole”. Trong nhóm mình chơi cũng có vài thằng suốt ngày tự nhận là asshole, và tụi nó nói luôn: không nó asshole thì shit nó cứ kẹt trong người bọn mày rồi bọn mày sẽ chết mất, hãy để những người như tao giải cứu thế giới. Bông đùa là thế nhưng tụi nó rất tốt, ví dụ để thấy rằng, đánh giá cái mẹ gì thì cũng phải công tâm, và có một cái lí rất đáng ghét của cuộc sống nhưng cứ phải chấp nhận đó là chả có cái gì tuyệt đối cả.

Tôi cũng chả biết trong cái thế giới này bao nhiêu phần trăm người nghĩ tôi là người tốt và bao nhiêu nghĩ tôi là người xấu. Nhưng câu kết rút ra ở trên rồi, cứ phải cố gắng đầu tư thời gian và tiền bạc làm những việc cần làm đã và cố gắng “don’t be an asshole”. Rồi nữa, khi nhận ra đa số những việc mình làm và nói chả có ai quan tâm thì mình lại thấy tự tin hơn để tiếp tục. Banzai!

Bền chí

Một bài học từ phim Shawshank Redemption (SR) đó là muốn xin cái mẹ gì cũng phải bền. Nhắc lại phim, nhân vật chính là Tim, và nhà tù Shawshank là nhà tù chuyên nhốt những tội phạm ghê ghớm khét tiếng (giết người, hấp diêm con heo và đẩy bà già xuống song…). Có một giai đoạn Tim muốn nhà tù dùng tiền để mở một thư viện cho tù nhân. Tất nhiên ông giám đốc là một ông phì nộn mất dạy không chịu chi tiền, Tim đành phải viết thư xin hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài. Những lá tư đầu của anh bị từ chối ngay tắp lự, sau đó anh viết nhiều hơn, nhiều đến nỗi một ngày kia nhận được tiền cùng câu trả lời là “làm ơn đừng viết thêm một lá thư nào nữa!”. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong phim nhưng nếu nhìn nhận một cách chi tiết thì đó cũng là một bài học hay hay, đó là bền chí.
Không hiểu sao chứ cái giới được xin (hoặc bị xin) rất là bận rộn và hay quên. Một số ví dụ nó như thế này:
– Sorry em anh bận quá không reply email em được (đến khi reply thì mỗi chữ “OK”, đcm anh)
– Bọn tao làm mất hồ sơ của mày rồi (thời hạn nộp hồ sơ từ tháng 9 đến tháng 11, bạn nộp 1/9 và tụi nó reply ngày 30/11, đcm tụi mày)
– Và hàng sa số nữa… đcm hết cái đám đó
Tôi cũng không biết nữa là việc đi xin là có phải hạ mình và có nên hạ mình hay không. Mr Tim trong SR là một tù nhân phạm tội giết người (dù anh bị oan và trong sạch, nhưng không phải tất cả chúng ta : hoặc ai cũng đầy tội lỗi theo kinh Thánh, hoặc ai cũng là người vô tội hay sao). Mà một tù nhân bị nhốt trong một nhà tù bằng đá thì đã mặc định hạ mình với cái giới có tiền bên ngoài nhà đá rồi. Tuy nhiên người đi xin bao giờ cũng phải tỏ ra trong sạch. Kiểu như xin việc mà bị từ chối bởi những lá thư rất thảo mai : « Tụi tao chúc mày may mắn trong công cuộc tìm kiếm », thì rõ ràng không thể reply « đcm tụi mày » được rồi (thầm rủa thì được), nếu thích tỏ ra trong sạch thì reply « cảm ơn sự tử tế của tụi mày » (thảo mai chống thảo mai), hoặc chọc ngoáy hơn một chút, hoặc chửi. Cách tôi chọn là bỏ qua email đấy và làm tiếp, vì thường những email tiếp sau nó rất vô nghĩa và tốn thời gian của cả hai bên, trừ khi viết một script gửi email hàng loạt cho flood mẹ nó cái hòm thư của HR công ty bên kia (này là xúi dại, ai dại thì làm theo nhé). Xin cái gì cũng vậy, tiền cho dự án, học bổng làm nghiên cứu, xin tăng lương, hay xin tiền bố mẹ mua cho cái đầu Play Station… thì cũng phải bền chí, phải có trình tự lớp lang : cho người ta biết mình là ai (con là con của bố mẹ đây), cho người ta thấy bản thân mình tốt thế nào (chẳng phải mẹ luôn bảo con là người đẹp trai nhất thế giới đấy sao) và trình bày lí do xin xỏ (đầu Play Station mua về sẽ làm đẹp bên cạnh cái ti vi của bố, có thể mở nhạc Trịnh và DVD Thúy Nga cho mẹ xem… và con thì ‘thỉnh thoảng’ chơi game), phần còn lại là « việc gì đến nó đến » kết hợp với « khôn không bằng may, hay không bằng hên ».
Có một điều là, việc bền chí rất quan trọng. Vô gia cư giữa đêm giá rét cũng phải lết gõ cửa từng nhà, nhà này không mở cửa thì nhà khác, nhà khác không mở thì quay lại nhà này, không mở thì cứ tiếp tục gõ cho tụi nó không ngủ được tụi nó sẽ kêu cảnh sát, ngồi trong đồn cảnh sát thì vẫn ấm hơn bên ngoài. Qua cơn hiểm nguy rồi tính chuyện tiếp theo.
Thế đấy, đời luôn có cách.

Thứ 7 ở lab

Ban đầu tính viết là chiều thứ 6 ở lab, nhưng hóa ra tôi bị nhầm ngày. Một THỨ nào đó trong tuần nhân lúc tôi không để ý đã tuồn chạy đi mất, làm tôi cứ tưởng thời gian cho mình vẫn còn nhiều lắm kia, ngồi viết chiều thứ 7 mà cứ tưởng đang là chiều thứ 6.

Tôi không có nhiều thời gian, luôn luôn như thế. Mà đúng là không ai có nhiều thời gian cả, thơi gian chia đều cho mọi người rồi mà.

Thứ 7 ở lab, mặc dù có thể bận tung trời với bao nhiêu việc phải làm, nhưng vẫn thấy mọi thứ hình như vẫn đứng yên, mùa hè vẫn độc ác, nhưng gió và cây cối thì thật là hiền hòa. Chỉ có một vài cá nhân là cứ động đậy, vì không động đậy không xong.

Lab chỉ có mỗi tôi và hai đứa nữa, đều là nghiên cứu sinh, giống tôi năm ngoái, ah không, năm ngoái giờ này tôi đã bảo vệ xong rồi, vậy là như tôi cách đây hai năm. Nghĩa là mọi người thì đi nghỉ, thầy thì đi nghỉ, cả lab im lặng như tờ và đóng cửa im lìm (muốn mở cửa phải dùng thẻ để quẹt vào, chờ cho cái đèn đỏ nó bật qua màu xanh, nhiều lúc cầm thẻ ngân hàng quẹt rồi đứng chờ 15p chả hiểu tại sao nó cứ đỏ mãi). Chúng nó (đám nghiên cứu sinh) ngồi gõ lách cách, tôi cũng gõ lách cách nhưng tôi không chịu áp lực như họ, một phần vì tôi đã nhận đủ trong mấy năm vừa qua. Không biết chúng nó có kịp để bảo vệ đầu năm sau không, nhưng đó là việc của tụi nó và việc tôi chưa xong, ngửng lên nghĩ 5s rồi lại cúi xuống làm tiếp. Dù gì cũng hy vọng may mắn đến, nhiều việc mình giỏi thôi chưa đủ, mà mình phải hên nữa.

Cái số của dân nghiên cứu nó hơi thảm, làm cái gì cũng khó mà lương thì bèo bọt so với tụi kĩ sư hay mấy đứa đi học bảo hiểm kia (lương thực tập của tụi nó dân nghiên cứu nhìn vào đã ao ước, đừng nói lương chính), được cái chúng nó – tụi làm nghiên cứu – thường bảo tụi tao có đam mê này nọ nên không thấy tụi nó phàn nàn gì nhiều. Trừ ngoại lệ, những thằng nghiên cứu có đam mê là tiền, thì giờ tụi nó đã bỏ không theo academic nữa mà đã kiếm một công việc khác ở cái xứ sở này.

Việc cuối tuần ở lại lab làm hay ngồi gõ cọc cạch đến tận nửa đêm trong văn phòng là chuyện bình thường. Lab cấm làm thí nghiệm chứ không đám chúng nó cũng làm (có tôi trong đó). Lâu lâu nhận được cuộc gọi dạ dạ ừ ừ rồi lại đăm chiêu (90% cuộc gọi là của thầy hướng dẫn, 10% là của vợ với con gọi “Papa bao giờ về vậy”), cảnh này đã quá quen.

Ai cũng là người tội nghiệp cả.

Nhút nhát

Đó là những nhận xét của sư phụ về những bài viết khoa học của mình. Đó là khi viết mà sợ có gì sai, đó là khi mày viết mà sợ người khác bắt bẻ.

Sư phụ có khác, cái tính nhút nhát này chả biết xuất phát ở đâu và tự bao giờ, nhưng sự kiện xa nhất tôi có thể nhớ đó là hồi nhỏ mẹ cho một tờ tiền bảo muốn mua gì thì mua, nhưng rốt cuộc tôi lại nhét túi cất kĩ vì khi đi mua đồ tôi rất sợ nhận lại tiền thừa mà cái bác bán hàng trả lại (bác rất chi dễ thương, chị bán hàng con ruột của bác cũng dễ thương, chỉ có ông chồng của cổ thì hơi giống Robinson trên hoang đảo làm nhiều lúc tôi cũng khiếp).

Thực ra dịch là nhút nhát thì không chính xác lắm. Timidité. Tôi nghĩ với tôi khi viết một cái gì đó mang tính tranh luận, thì tôi ngại viết hơn là nhút nhát mà không viết ra, vì với tôi, tranh luận và thuyết phục xoay chuyển một người nghe theo ý của mình là một việc… tốn thời gian. Nếu ngay từ đầu có vẻ chung một chiếc thuyền thì có thể vui vẻ với nhau, còn một người cứ nhất nhất đi bè thì tôi cũng chẳng cố công phân tích để học chuyển sang đi thuyền với tôi làm gì.

Ngẫm nghĩ lại đúng là cái tính tình chả có gì hợp với một công việc gặp gỡ nhiều người, nói chuyện phát biểu trước đám đông tôi cũng ngại, hát hò giữa bao người thì cần phải có cơ man sự trợ giúp của bia hoặc rượu, hoặc nhiều lúc nặng đô hơn phải cần cả hai. Dở một cái là, ngay cả trong những việc đòi hỏi sự rạch ròi, sự dứt khoát, tôi cũng không có được (gái mà đọc tới đây thế nào cũng búng tay cái chách và bảo “Thiên Bình, há há”, tiên sư mấy ông nhà zodiac), và nó dính luôn cả mấy bài báo cáo đang viết.

Nhưng cũng có những việc tôi không nhút nhát mà cũng chả thấy ngại, ví dụ thỉnh thoảng làm cái gì đó màu mè rồi đem khoe lung tung. Như là việc nhét cả cái thành phố Lyon vào trong một cái chai. Toàn những việc có vẻ là vô ích cả, nhưng John chẳng phải đã nói rồi sao, những việc làm thấy vui thì không phải là những việc vô ích.

Castle_In_The_Bottle

Nước mắt rơi trong các trận bóng đá

Cúp bóng đá thế giới năm nay coi có nhiều cảm xúc lạ lùng.

Đầu tiên là cảm giác chán. Chán là vì các đội đá không còn có tính bất ngờ và cảm hứng tràn trề như ngày xưa, bây giờ mỗi động tác đều là những toan tính, mỗi hành động ăn mừng đều phải dè chừng vì rất có thể sẽ bị trừng phạt, không phải luật chính quy thì cũng là luật rừng. Thế nên, những táo bạo, ngẫu hứng phải nhường chỗ cho những quy cũ chuẩn mực, cho bài bản, cho dù cái gì bài bản đến mấy thì cũng không hấp dẫn bằng ngẫu hứng được, nhưng lí do sao thì đã nói ở trên.

Cảm giác tiếp theo là cảm giác tội nghiệp. Cảm giác tội nghiệp đầu tiên là cảnh nhìn thủ thành Casillas của TBN bò theo tiền đạo của Hà Lan một cách bất lực rồi sau đó nhận những bàn thua choáng váng trong loạt trận mở màn của WC. Cảnh tội nghiệp tiếp theo là nhìn các cầu thủ khóc khi không thể giúp đội nhà tiếp tục đi vào vòng sau, như Jame Rodriguez khóc khi đội nhà thua Brazil, đến nỗi David Luiz của Brazil phải ôm lại vỗ về cho cậu nguôi ngoai. Và gần nhất là tối hôm qua, khi hàng loạt khán giả khóc òa khi Brazil thua Đức với tỉ số không ai có thể tưởng tượng được. Khoảnh khắc đó làm tôi nhớ khi còn bé, mặc dù không hiểu luật bóng đá mấy nhưng thấy Hồng Sơn Huỳnh Đức không thắng được “bọn” Thái Lan với Indo mà cứ khóc tức tưởi. Tôi ó cmột thói khi xem bóng đá đó là nếu không phải đội tôi thích (tôi thích ManU) thì tôi luôn luôn cổ vũ thằng yếu hơn và thấy tội nghiệp đội thua cuộc vào cuối trận. Những cái gục mặt xuống sân cỏ, những ánh mắt thẫn thờ vô hồn và những giọt nước mắt. Tất nhiên rồi thì mọi chuyện sẽ ổn thôi, bóng đá ấy mà, nhưng khi có ai đó khóc cho bạn, chứng tỏ họ yêu quý bạn đên chừng nào.

Có lẽ sau này lớn lên nên nhiều thức để nghĩ hơn, sở thích cũng không còn giống như hồi lâu, thêm phần là cạ xem đá banh không còn nhiều như đại học cũng nên, chứ không phải các đội đá kém hay kém cảm xúc; cái gì cũng nên xem lại bản thân trước khi trách cứ ai. Còn về phần các đội thua cuộc, có thất bại mới có thành công chứ ai đâu mà thành công mãi được chứ. Cuộc đời vốn không công bằng nữa, và xui thì bao giờ cũng nhiều hơn hên, và ai cố gắng nhiều hơn thì sẽ được đền đáp xứng đáng.

Giờ nhìn lại đội tuyển bóng đá Việt Nam đi đá Sea Games hay các giải khác, không còn háo hức mong chờ như hồi lâu, có bị thua thì cũng tặc lưỡi rồi thôi. Các chú phải làm sao để mà thắng thì người ta vui, thua làm người ta buồn, chứ giờ khi tôi xem, cảm giác duy nhất là …MEH.

Tag Cloud