Gibberish

Posts tagged ‘hè’

Mùa hè màu gì?

Chưa tới hè và chưa phải lúc nói đến hè, nhưng không muốn nói về mùa xuân tí nào.

Mùa hè có màu gì nhỉ?

Mùa hè có thể có màu xanh, như thời bé ở Gia Lai, hè là lúc mít ra đầy lá, cây cỏ ngoài đường (lúc ấy chưa có đường nhựa, toàn đường đất, rộng hơn 5,6m nhưng cỏ ngập bụng, lối đi chỉ dạt ra khoảng 1 đến 2 m là cùng) xanh um, cào cào châu chấu dạt qua một cẳng là bay rào rào. Hè là đi tắm suối, suối hồi đấy sạch lắm, có màu xanh rêu, nhưng vẫn trong và thấy được đáy, nói thật là không biết bơi, nhưng ngụp thì có, hoặc lén lụm rổ của mẹ đi hốt cá. Lâu lâu túm được con cua về vui đến tận mấy ngày sau. Đó là ở nhà, còn ở trường, hè cũng có màu xanh, xanh của Bạch Đàn, hồi cấp một thì trường trồng Bạch Đàn là nhiều, mát mẻ dễ chịu, lá cũng dễ dọn, khi khi rơi xuống, đầu thu đi lao động hay gom lá bạch đàn lại cột thành túm rồi cầm quét như lao công thứ thiệt, vẫn thấy thích vậy hơn là cầm chổi theo, vả lại quét xong vứt luôn, cầm theo chổi lao động xong mệt và nhớp nháp, cầm thêm cái chổi như cực hình.

Khi mà hè được đi chơi với bố mẹ, mượn ô tô của một chú và đi dọc quốc lộ 1 qua Phú Yên, Nha Trang (Khánh Hòa) thấy biển xanh xanh, núi xanh xanh, và có lúc hai bên đường ngập Thanh Long, cũng xanh xanh. Nhớ có lúc kéo kính xuống để thử “biết” mùi đồng ruộng miền Trung, bị gió nóng bạt vào mặt, hơi choáng tí nhưng cũng thỏa mãn, vì đó là quê hương (thực ra sau này mới thấm quê hương, lúc nhỏ chỉ biết gió nóng, mà mje gọi là gió như “phang” (Phan) và nắng như “rang” (Rang). Cảm giác lúc được ùa xuống biển lúc ở Nha Trang thật là tuyệt, trên một bãi biển đầy đá san hô đi lạo xạo, cứ thế ùm xuống, nước thì hơi lạnh nhưng trong veo, nước xanh, trời xanh không gợn mây. Gì chứ màu xanh làm mình thấy bình yên, chỉ muốn nhắm mắt và nghe gió vỗ về rồi ngủ.

Mùa hè màu trắng, cũng có thể, khi giữa tháng 8, nắng như thiêu đốt, dòm ra ngoài sân nắng làm nổ đom đóm mắt, và đôi lúc tôi nhớ về mùa hè, chỉ là những dải màu trắng muốt, nhưng không hề khó chịu mà thật là mềm mại, hơi xa xăm một tí. Rồi sau này nghe nhạc Trịnh Công Sơn bài Hạ Trắng, và Thám Tử Nghiệp Dư (Nguyễn Nhật Ánh) cũng mượn Hạ Trắng để viết truyện (tuy nhiên không mấy liên quan). Hạ Trắng tôi thích câu “thôi xin ơn đời, trong cơn mê này, gọi mùa Thu tới, tôi đưa em về, chân em bước nhẹ, trời buồn gió cao”. Mùa hè là cái mãnh liệt, có thể cái gì đó bùng cháy, nhưng lỡ sau đó nó bỏ đi, cái bùng cháy ấy, thì cái còn lại mãi mãi không bao giờ hàn gắn được. Như sương khói vậy, và nó thì trắng đấy.

Mùa hè màu vàng và đỏ,

Tôi không thích hoa phượng tí nào, nó làm tôi buồn. Ngay từ cấp 1 trường tôi đã trồng phượng rồi (tất nhiên không nhiều bằng bạch đàn), đến hè là nó lại ra từng chùm đỏ, rồi ve kêu rụng màng nhĩ. Rồi các bạn gái thì lấy ép sách ép vở, trai thì leo lên hái trái rồi moi hột ra ăn, tôi không thích, vì khi thấy phượng tôi biết tôi phải xa trường, sau này thì lên cấp 2 và 3, tôi biết tôi phải xa vĩnh viễn cái thời học sinh, tôi thấy tiếc vì nhiều điều tôi chưa làm, nhưng người tôi làm họ thất vọng, và những tâm sự thầm kín sẽ không bao giờ nói ra. (hoặc nói thẳng là không nhớ luôn, chỉ còn tí cảm xúc không kể được, bây giờ nhìn hoa phượng tôi vẫn có cảm giác đó). Tôi cũng không thích hoa phượng là vì thêm một lí do, mẹ tôi rất thích một bài hát là Thời hoa đỏ của Nguyễn Đình Bảng, hồi đó đài hay mở, mẹ bảo mẹ thích, sau này đài không nghe nữa nhưng mẹ vẫn thích, tôi online tìm kiếm, nào là Thái Bảo, và ai nữa, nhưng không phải là phiên bản đó, tôi cũng không tìm được gì thêm.

Nhưng tôi thích xoài, chôm chôm :D, và hè thì thừa mứa cả ra, ăn tới toét cả miệng, cả mận nữa chứ. Gì chứ trái cây thì tôi hảo lắm. Vàng đấy, đỏ đấy. Còn một cái đỏ nữa là hè hay đi chơi đá banh và leo rào..nên trầy trụa chảy máu là…bình thường, không thơ mộng lắm nhưng cũng đáng nhớ lắm.

Thế rốt cuộc mùa hè nhiều màu gì, tôi vẫn thích màu xanh của lá, nó làm tôi nhớ nhà, tôi vẫn thích bài Hạ trắng của Trịnh Công Sơn, tôi vẫn thích màu vàng và đỏ của trái cây và những trò chơi, cánh bướm. Hè vừa gần mà lại vừa xa, xin kết bài bằng câu “it was so good to be young then”.

[Copied] Kinh nghiệm viết Báo cáo thực tập và Luận văn tốt nghiệp

Giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp bên cạnh chương trình học tăng lên khủng bố, đi sâu vào các môn chuyên ngành và 1 lô các hoạt động khác… thì các em sẽ cần chuẩn bị đi Thực tập, Kiến tập tại các cơ quan, doanh nghiệp liên quan – rồi sau đó về báo cáo, tổng kết với nhà trường, kết thúc bởi luận văn, chuyên đề, đồ án và thi tốt nghiệp. Những kinh nghiệm này của anh thực ra là đã “mốc meo” 2, 3 năm nay rồi. Ngày xưa học bằng “trình” và “tiết”, còn bây giờ thay thế bởi tín chỉ. Giáo trình, nội dung học cũng khác. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình và tình yêu vô bờ bến dành cho các thần dân trong bang hội, LĐ xin chắp bút viết àh gõ đôi dòng hướng dẫn ha.

I.Báo cáo thực tập:

– Trước tiên là tìm được nơi để mà thực tập cái đã. Có 2 cách: hoặc là nhờ người quen giới thiệu cho nơi thực tập, hoặc là tự mình vác hồ sơ đi “xin thực tập” (cái này phải nhờ thực lực và may mắn nữa). Kém lắm, ko tự tìm được thì mới nhờ nhà trường giới thiệu cho thôi. Bởi vì khi ấy đều là những chỗ mà thầy, cô giáo có quan hệ giới thiệu vào. Và gần như năm nào cũng đưa SV vào đó nên họ nhẵn mặt rồi. Hên thì họ ném cho mấy cái báo cáo, luận văn cũ mà xài – xui thì họ chán đến tận cổ, thôi tụi bay đừng đến nữa, mệt tiu… Chỗ nào cũng được, miễn là phải phù hợp với chuyên ngành, và có điều kiện để tìm kiếm thông tin, tài liệu cần thiết là được.

– Note: Nhiều người cứ cố tìm chỗ thực tập chắc chắn để sau này xin vào làm luôn. Nói thật là trừ những chỗ quan hệ quen bit, hoặc rất tự tin ở thực lực của mình ra – thì tốt nhất đừng hi vọng hão huyền điều này. Tỉ lệ % thành công rất thấp.

– Tiếp theo, khi có chỗ rồi e sẽ đến “thực tập” tại đó. Lại có 2 tình huống xảy ra: Nếu là cty nhỏ, nhiều việc – họ muốn e tham gia trực tiếp vào công việc, giống như 1 nhân viên thử việc vậy. Ngày làm việc 8 tiếng, phải chạy đôn, chạy đáo, cuối tháng nhận lương (thử việc)… blah blah… Nếu là cty lớn, ít việc – họ nói thẳng ra là e đến cũng được, ko đến cũng chả sao. Thậm chí từ đầu đến cuối đợt thực tập e đến điểm danh 2 lần, 1 cho buổi đầu tiên trình diện và 2 cho buổi cuối cùng đến xin chữ ký, con dấu xác nhận thế là đủ.

– Note: Nên tranh thủ gây cảm tình với mọi ng trong cty, sẵn sàng để làm những việc ngoài chuyên ngành, ngoài khả năng, thậm chí chỉ là đến pha trà, dọn dẹp phòng mỗi ngày thôi cũng được. Nếu ko chuẩn bị sẵn tâm lý ấy, e sẽ bị sốc – vì đơn giản là, từ môi trường học tập ra thực tế cuộc sống rất khác nhau. Muốn làm thầy, trước tiên phải học làm thợ cho tốt. Cuộc sống ko “hồng hào”, cũng chẳng “xám xịt” – miễn là e xác định đúng với thực tế, và sẵn sàng theo đuổi, thế là được rồi.

– Vấn đề tài liệu thì có mấy nguồn như thế này:

1. Sách, báo, internet: nếu cty đó có website thì tìm hiểu ở đó, nếu ko có thì… Google. E sẽ phải thử dùng với rất nhiều từ khóa có thể nghĩ ra được thì mới đủ tư liệu. Thậm chí là phải link từ trang nọ sang trang kia tít mù rồi mới thấy cái mà mình cần tìm. A gợi ý là dùng những trang như: http://www.hapi.gov.vn (Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội); http://www.nhungtrangvang.com.vn (Những trang vàng của VNPT); vietnamtradefair; diendandoanhnghiep; … và những trang tìm kiếm doanh nghiệp, rao vặt khác để bit được thông tin cơ bản và tình trạng hoạt động của doanh nghiệp.

2. Người quen: Thiết lập quan hệ với những người trong phòng, và trong cty (đặc biệt là phòng hành chính) và nhờ họ kiếm tài liệu cho. Đôi khi tìm họ nói chuyện phiếm, tiện thể lồng thông tin mình cần hỏi vào trong (ví dụ: cty mình thành lập lâu chưa chị, hình như mình kinh doanh chủ yếu cái này phải ko, nghe nói lĩnh vực này giờ đang khó khăn, nhiều cạnh tranh…). Trong cty có 1 tuýp người, làm việc chẳng được bao nhiêu, nhưng lại “bít hết chuyện thiên hạ” – nôm na là giống mẹ Đốp, hoặc mõ rao ý. Chiếm cảm tình và buôn dưa lê với họ là có ối thứ mình cần. p:

3. Luận văn, báo cáo cũ: Nếu may mắn được người trong cty “vứt cho” mấy luận văn và báo cáo thực tập cũ của mấy người đi trước thì còn j bằng. Lúc ấy em chỉ cần copy, paste và chỉnh sửa tí xíu là ok.

– Tùy theo từng giáo viên, có thể yêu cầu làm Nhật ký thực tập hàng tuần. Cuối kì thì làm Báo cáo thực tập có xác nhận của cơ quan ấy. Nên hỏi ý kiến và báo cáo thường xuyên để biết ý của thầy, cô. Và cũng nên chuẩn bị dần các giấy tờ liên quan: giấy khai sinh, CV, giấy giới thiệu, CMT, thẻ sinh viên… đề phòng họ yêu cầu.

– Cuối cùng, là phần nội dung: Một Báo cáo thực tập thông thường gồm 3 phần.

Phần 1 – là những thông tin chung, cơ bản về doanh nghiệp (Lịch sử thành lập, cơ cấu nhân sự, ngành nghề kinh doanh…). Cái này sưu tầm từ nguồn Internet, phỏng vấn là chính, có thể “bịa”thêm 1 chút cho dài.

Phần 2 – là thực trạng hoạt động. Tùy chuyên ngành yêu cầu mà phân tích sâu hơn về mảng hoạt động ấy. Lưu ý là phần này sẽ cần thêm sơ đồ, biểu đồ và nhiều số liệu khác. Dứt khoát phải nhờ vả người quen, thầy cô và cty đó nhiều. Thậm chí là phải “bịa” nhiều, miễn là lúc sau đọc lại thấy tương đối hợp lý là được. (Chính xác thì họ cũng chẳng cho mình số liệu thực đâu, chỉ cần biết sườn rồi “phệt” thêm thôi).

Phần 3 – là kết luận và góp ý bổ sung. Nôm na là bên trên phân tích 1 vài điểm chưa được, bên dưới góp ý cải thiện những cái chưa được ấy. Có khi là bịa ra, có khi là tình trạng thật. Thôi, đến lúc đó rồi e tự biết làm thế nào.

Note: Bản “Báo cáo thực tập” nhìn chung là viết khoảng 20 – 30 trang A4. Có thể (nên) dùng font chữ, khoảng cách dòng rộng rãi để thoáng mắt và… kéo dài số trang. Chú ý rằng, đây cũng là nền tảng cho bản “Luận văn, chuyên đề tốt nghiệp” sau này. Nên làm tương đối tốt từ bây giờ, thì về sau nhàn hơn.

PS: Copy nguyên xi, những chỗ sai chính tả vẫn giữ nguyên (sai chính tả hơi nhiều)
Không giống lắm nếu so với luận văn bên kĩ thuật, đặc biệt là kĩ thuật xây dựng, hình như đây là một cha kinh tế, nhưng có mấy cái đọc cũng được, đặc biệt giúp cho cuộc sống sau này, còn cái giúp cho luận văn thì hoàn toàn không phù hợp.

Tài liệu hướng dẫn hình thức trình bày báo cáo tốt nghiệp và đồ án tốt nghiệp: Download

Nguồn: bài viết: blog ducphanh.com, tài liệu hướng dẫn: trường Đại Học Bách Khoa

Tag Cloud