Gibberish

Posts tagged ‘tuyển dụng’

Ý nghĩa của những câu hỏi trong phỏng vấn?

Đã từng trải qua một vài cuộc phỏng vấn, và bạn biết có những câu hỏi dường như được hầu hết các nhà tuyển dụng dùng để hỏi ứng viên. Nhưng liệu bạn có hiểu được ý nghĩa thực của nó? Bạn có biết những câu hỏi đơn giản lại thường ẩn rất nhiều nghĩa?

Dưới đây là những gợi ý cho bạn:

1.Câu hỏi: Tại sao bạn lại muốn làm việc ở đây?

Rất nhiều ứng viên trả lời câu hỏi này trong sự mơ hồ rằng vì đây là công việc đã tìm kiếm lâu nay, vì công việc này sẽ phát huy hết được khả năng, kinh nghiệm bản thân, vì lòng ngưỡng mộ với công ty…Tuy nhiên nhà tuyển dụng muốn biết nhiều hơn những thông tin trên.

Ý nghĩa thực sự của câu hỏi: “Bạn biết được những gì từ công ty này và tại sao bạn lại hy vọng được làm việc ở đây chứ không phải những công ty khác trong cùng lĩnh vực?”. Chính vì thế khi trả lời những câu hỏi này hãy tập trung làm rõ những ý trên. Bạn có thể nhấn mạnh, chẳng hạn, bạn rất quan tâm đến những nghiên cứu mới của cơ quan, sự sát nhập hoặc những chương trình thể hiện trách nhiệm xã hội gần đây của công ty…Những thông tin chi tiết như vậy sẽ khiến cho nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn tìm hiểu khá kỹ về công ty của họ, bạn quan tâm đến vị trí này không chỉ vì thu nhập. Họ sẽ đánh giá rất cao về tính nghiêm túc của bạn trong cơ hội nghề nghiệp này.

2. Câu hỏi: Thế mạnh của bạn là gì?

Câu trả lời thường là: Tôi có thể làm việc ăn ý với những đồng nghiệp khác, tôi nhiệt tình, tôi có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc…Những câu trả lời chung chung như vậy thường ít đem đến sự khác biệt của bạn với những ứng viên khác.

Ý nghĩa thực sự của câu hỏi: “Làm thế nào bạn có thể biến thế mạnh của mình thành lợi nhuận của công ty?”. Nhà tuyển dụng muốn biết rằng bạn sẽ phát huy những thế mạnh của mình như thế nào trong công việc sắp tới, những thế mạnh này có phù hợp với yêu cầu công việc không. Hãy tập trung làm rõ những thế mạnh của bạn có thể đáp ứng như cầu cụ thể của nhà tuyển dụng. Chẳng hạn: Kinh nghiệm của bạn có thể phát huy trong việc đàm phán ký kết các hợp đồng, bạn có thể sáng tạo những ý tưởng mới và lãnh đạo một nhóm làm việc triển khai những ý tưởng này.

3. Câu hỏi: Đâu là điểm yếu của bạn?

Các ứng viên thường cố gắng liệt kê ra những điểm yếu của mình tương tự như kể ra những điểm mạnh cho dù là thành thật hay không thành thật như: “Tôi là một người quá cầu toàn” hoặc “Tôi là người không thể nói không khi có người yêu cầu giúp đỡ”…Những câu trả lời kiểu này gần như là được “đóng hộp” như nhau. Nhà tuyển dụng đã “chán ngấy” những câu trả lời giống nhau như thế và họ có cảm giác rằng bạn đang lẩn tránh những điểm yếu thực sự của mình.

Ý nghĩa thực sự của câu hỏi: “Tôi muốn biết mức độ trung thực và tự đánh giá bản thân của bạn” và “Làm thế nào bạn giải quyết thành công những thách thức trong công việc của mình?”, “Bạn đã khắc phục những điểm yếu của mình như thế nào trong những công việc đã qua?”. Tất cả mọi người đều có điểm yếu, nhưng không phải tất cả mọi người đều dám thừa nhận nó. Nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm những ứng viên biết nhận ra những điểm yếu của mình và từng bước khắc phục, vượt qua những điểm yếu ấy. Hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn có khả năng làm được cả hai điều đó. Ví dụ, bạn có thể chia sẻ với nhà tuyển dụng biết bạn thường không tự tin nói trước đám đông. Và giải pháp của bạn là: trình bày ý tưởng dự án của mình trước đồng nghiệp, sau đó là tập thế lãnh đạo công ty trước khi trình bày trước một tập thể rộng lớn hơn. Khẳng định với nhà tuyển dụng rằng dần dần những điểm yếu này đã được khắc phục.

4. Câu hỏi: “Bạn muốn làm việc độc lập hay làm việc theo một nhóm?”

Đây là một trong những câu hỏi khó trả lời, vì hiếm có ứng viên nào dám mạnh dạn đề xuất mình làm việc độc lập hay làm việc theo nhóm khi “chân ướt chân ráo” bước vào công ty.

Ý nghĩa thực sự của câu hỏi: “Bạn có định hướng gì cho công việc sắp tới của mình không”, “Bạn có thể kể lại một kinh nghiệm đã từng làm việc với một hoặc một nhóm đồng nghiệp để giải quyết một khó khăn, thách thức nào đó trong công việc không?” Với câu hỏi trên nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm một ứng viên biết phải làm thế nào để công việc đạt kết quả cao nhất. Họ sẽ không phải mất thời gian để giải thích, hướng dẫn cho nhân viên của mình từng bước đi, ứng viên đó có thể tự chủ và đề xuất ra những giải pháp của riêng mình.

Biết được mục đích thực sự của nhà tuyển dụng đằng sau những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản và quen thuộc là một lợi thế. Bằng việc cung cấp cho nhà tuyển dụng những thông tin thực sự họ muốn biết, đồng thời tạo ra sự khác biệt so với những ứng viên khác là một cách tạo ấn tượng hiệu quả với nhà tuyển dụng và là cách nâng cao khả năng được tuyển dụng của bạn.

Nhận xét: thực ra nói ra những cái này không cần phải có kinh nghiệm, chỉ cần một chút suy luận, đặt mình vào vai trò nhà tuyển dụng là có thể suy ra được tất cả những bí kíp này, lí thuyết vẫn thế, luôn luôn xám ngoét. Thực ra có rất là nhiều trường hợp được tuyển dụng khác mà không qua những quy tắc xám như trên, vì cuộc đời khá là đa dạng, và cuộc sống thì thay đổi từng ngày ấy chứ, vậy nên, bài viết chỉ vẫn theo tiêu chí đọc cho vui, vừa là cảnh tỉnh cho những người chủ quan, vừa có tác dụng mua vui.

Nguồn bài viết thì mò cái link ảnh mà tự suy lấy. :))

Đàm phán lương bổng

Làm thế nào để có tiền lương như ý

Đi làm thì ai cũng quan tâm lương bổng, đồng ý là tiền lương chỉ là 1 trong những yếu tố quan trọng hàng đầu bên cạnh các yếu tố khác như cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc, sự phù hợp sở thích năng lực,… nhưng tiền lương vẫn là 1 yếu tố quan trọng và thực sự là 1 vấn đề tế nhị để đàm phán khi phỏng vấn tuyển dụng.

Sau đây là 2 bài mà người vít mới lụm được và mún chia sẻ cho những ai wan tâm (những ai sắp tốt nghịp đi làm hoặc những người đang có ý định chuyển công việc, hê hê).

BÀI 1: BỐN NGUYÊN TẮC KHI ĐÀM PHÁN LƯƠNG BỔNG:

Nghệ thuật nói về mức dao động lương bổng
Hãy cẩn thận khi bạn đàm phán mức dao động lương mong muốn với nhà tuyển dụng. Ví dụ, nếu bạn mong muốn mức lương của mình ít nhất là 400 USD và nhiều nhất là 500 USD, bạn sẽ đưa ra mức lương dao động như thế nào? Nhiều ứng viên chưa có kinh nghiệm thương lượng lương sẽ nêu ra mức dao động là 400 – 500 USD/tháng, và nhà tuyển dụng ngay lập tức (nếu họ “chấm” ứng viên này) đồng ý với mức lương cho ứng viên là 400 USD. Trong khi trên thực tế, ứng viên có thể hưởng mức tối đa là 500 USD.

Vì vậy, khi thương lượng lương bổng, bạn phải tự tin đề ra mức dao động hợp lý với mình nhất. Nếu bạn muốn mức lương xứng đáng nhất là X, bạn nên nói với nhà tuyển dụng rằng mức dao động lương mà bạn mong muốn là X – Y, nghĩa là bắt đầu từ mức cao nhất mà bạn mong muốn có được.

Nghệ thuật làm hài lòng nhà tuyển dụng
Nếu bạn đã từng bán một chiếc ô tô hay một đồ vật tương tự, bạn có thể gặp tình huống như sau:

Bạn ra giá chiếc xe 60.000 USD. Ai đó đến rồi đi. Một lát sau, anh ta quay lại và nói rằng sẽ mua nó với giá 60.000 USD. Bây giờ bạn cảm thấy tiếc vì bạn nghĩ rằng mình ra giá như thế là quá rẻ.

Nhưng nếu anh ta quay trở lại và nói chỉ lấy nó với giá 55.000 USD, bạn không đồng ý, và nói: Phải ít nhất 60.000 USD bạn mới bán. Cò cưa mãi rồi anh chàng cũng chấp nhận mức giá bạn đưa ra.

Như vậy trong cả hai trường hợp, bạn đều bán ô tô của mình với giá 60.000 USD. Nhưng trong trường hợp đầu, bạn cảm thấy mình bị hớ, còn trường hợp thứ hai bạn lại cảm thấy mình bán được giá. Trường hợp này cũng tương tự như khi bạn đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Bạn có thể nâng mức lương lên cao hơn mức nhà tuyển dụng có thể trả cho bạn (nhưng đừng nhiều quá nhé). Nếu nhà tuyển dụng đồng ý với mức này, thì còn gì bằng. Nếu không, bạn có thể hạ mức lương mong muốn xuống bằng với mức nhà tuyển dụng đưa ra. Khi đó nhà tuyển dụng sẽ rất hài lòng.

Hãy để công ty đề xuất về lương trước
Trong vòng sơ tuyển, phòng nhân sự có thể yêu cầu bạn đưa ra một con số chính xác về mức lương mong muốn của bạn. Đừng trả lời ngay mà hãy yêu cầu thêm thời gian để suy nghĩ. Hoặc bạn có thể nói “Có lẽ trước khi bàn về lương bổng của tôi, tôi muốn biết một chút về mức lương của công ty dành cho vị trí này.”

Trong mọi trường hợp, đừng bao giờ đưa ra một con số cụ thể. Thay vào đó hãy nói: “Tôi muốn tìm hiểu thêm về công việc với Quý công ty trước khi quyết định mức lương phù hợp nhất với công việc này.” Đặc biệt, đừng đả động gì về lương cho đến khi cuộc phỏng vấn đã tiến xa và bạn biết khả năng thành công là rất cao.

Đừng tỏ ra quá khiêm tốn khi đưa ra mức lương mong muốn
Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn đưa ra mức lương mong muốn, bạn đừng đưa ra mức quá thấp. Như thế, họ có thể sẽ nghi ngờ năng lực làm việc của bạn. Hãy đưa ra mức lương tương đối khá sau khi đã chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp nhất với vị trí công việc đó./.

Sau khi đọc xong bài trên, bản thân người viết cảm thấy việc đòi hỏi mức lương cao có vẻ mang 1 màu hồng, nhưng sau đó đọc thêm bài này thì thấy là chúng ta cũng nên thực tế, ko nên đòi hỏi những thứ trên trời wá :))

Thường thì khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi về mức lương mong muốn của mình và thường hỏi dưới 2 dạng câu như sau: “Bạn muốn mức lương ra sao?” hoặc “Mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?”. Việc bạn có được tuyển dụng hay không phụ thuộc khá nhiều vào cách bạn trả lời câu hỏi này. Vì thế, hãy chuẩn bị sẵn phương án trả lời cho câu hỏi này, chứ đừng đợi đến lúc NTD hỏi mới suy nghĩ. (Àh, tuyệt đối ko nhắc tới chuyện lương bổng cho đến khi NTD đề cập đến nó trước nhé). Và sau đây là 1 vài lưu ý khi trả lời câu hỏi này:

BÀI 2: “ANH/CHỊ ĐỀ NGHỊ MỨC LƯƠNG BAO NHIÊU?”

Bạn vừa vượt qua các vòng đầu của cuộc phỏng vấn xin việc cam go. Bạn cảm thấy thật hân hoan nhưng cũng thật hồi hộp trước vòng phỏng vấn cuối. Một trong những lý do làm bạn hồi hộp chính là  thời khắc quan trọng này đây: Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “Anh/chị muốn đề nghị mức lương bao nhiêu?” Bạn sẽ trả lời ra sao để có được mức lương tốt nhất và tránh phải “hối tiếc” về sau?

Để trả lời tốt câu hỏi tế nhị này (mà điều đó quyết định bạn có được hưởng mức lương tốt nhất hay không), bạn cần nhớ nghệ thuật thương lượng mức lương mơ ước phụ thuộc rất nhiều vào bước chuẩn bị.

1) Tìm hiểu về mức lương mong muốn. Trước khi đi phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ mức lương mà nhà tuyển dụng có thể trả cho vị trí của bạn, cũng như thông tin về mặt bằng lương của lĩnh vực bạn ứng tuyển. Nếu có bạn bè hay người thân làm việc trong công ty mà bạn ứng tuyển, bạn có thể khéo léo hỏi thăm mức lương trung bình của các vị trí tương đương. Từ đó, bạn có thể định được mức lương thích hợp cho mình.

2) Nêu bật thế mạnh và thành tích của bạn. Hãy nêu những thành tích bạn đã đạt được trong công việc trước đây, ví dụ: bạn đã tiết kiệm chi phí cho công ty được bao nhiêu, góp phần cải thiện năng suất như thế nào hay đã đóng góp được gì cho sự phát triển của công ty. Thành tích bạn đạt được trong công việc trước đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhà tuyển dụng quyết định mức lương cho bạn.

3) Hãy thực tế. Một số ứng viên khi đi phỏng vấn đã yêu cầu mức lương “ngất ngưỡng” so với năng lực của họ. Đó là điều bạn cần tránh vì nhà tuyển dụng chỉ trả mức lương phù hợp với năng lực thực sự của bạn mà thôi. Vì vậy bạn cần đánh giá thực lực của mình một cách khách quan. Dĩ nhiên, nếu bạn đã từng giữ những vị trí quan trọng, bạn nên nêu bật lợi thế đó, nhưng đừng quá phô trương hay thêu dệt những thành tích trước đây.

4) Cân nhắc các chế độ khác. Người phỏng vấn cho biết bạn được tuyển vào công ty. Bạn rất hài lòng vì đây là công việc yêu thích của bạn, nhưng mức lương nhà tuyển dụng đưa ra không được như bạn mong muốn. Dĩ nhiên, mức lương là quan trọng, nhưng bạn nên cân nhắc những chế độ khác như cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc hay chính sách đào tạo… trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Những điều cần tránh

1) Đề cập mức lương ngay trong hồ sơ xin việc. Điều này sẽ khiến bạn rất khó thương lượng được mức lương như mong muốn. Vì sao? Có thể công ty dành ngân sách trả lương US$1.500 cho vị trí của bạn, nhưng bạn chỉ đề nghị US$1.000 trong hồ sơ ứng tuyển mà thôi.

2) Chủ động đề cập mức lương. Hãy để nhà tuyển dụng nêu lên vấn đề này trước, dù bạn phải qua bao nhiêu vòng phỏng vấn đi nữa! Đừng bao giờ đề cập đến việc lương bổng khi bạn chưa chắc công ty sẽ tuyển dụng bạn. Một khi nhà tuyển dụng xác nhận rằng bạn là người được chọn cho vị trí tuyển dụng, bạn sẽ thương lượng dễ dàng hơn.

3) Thổi phồng thu nhập hiện tại của bạn. Bạn nên nhớ, trung thực là nguyên tắc vàng. Người phỏng vấn luôn biết cách đánh giá độ chính xác trong câu trả lời của ứng viên. Ngoài ra, bạn cũng không nên đề nghị mức lương quá cao vì nhà tuyển dụng có khuynh hướng không đọc hồ sơ có mức lương đề nghị “ngất ngưởng”./.

Người viết: nói thì nói thế thoy chớ thực tế chả bít sao nữa, chắc tháng sau chuyển việc để thử nghịm bí quyết trên xem sao :))

Tag Cloud